Cục Thuế Đồng Tháp phản ánh, thủ tục hải quan thông quan và thủ tục hoàn thuế GTGT đối với ngành lương thực chưa rõ ràng như phụ phẩm của ngành lương thực là tấm, cám, trấu…
Về vấn đề Cục Thuế Đồng Tháp phản ánh, Tổng cục Hải quan cho biết, hiện nay thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Luật Hải quan 2014, Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ và quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Tại các văn bản nêu trên đã hướng dẫn cụ thể đối với việc thực hiện thủ tục hải quan để thông quan hàng hóa, đề nghị đơn vị căn cứ nội dung các văn bản trên để thực hiện.
Liên quan đến thuế GTGT mặt hàng phụ phẩm của ngành lương thực như tấm, cám, trấu, ngày 31/10/2014, Bộ Tài chính đã có công văn số 15895/BTC-CST hướng dẫn thuế GTGT đối với sản phẩm trồng trọt, theo đó, các mặt hàng cám mỳ, tấm mỳ, cám gạo (được tạo ra từ quá trình xay xát thóc hoặc xay xát lúa mỳ) là phế phẩm, phụ phẩm của sản phẩm trồng trọt nên được xác định là sản phẩm chưa qua chế biến thành sản phẩm khác theo hướng dẫn tại Điểm b1 Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 83/2014/TT-BTC. Do đó, tấm, cám, trấu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT ở khâu tự sản xuất bán ra, ở khâu NK và không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT ở khâu kinh doanh thương mại theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 4 và khoản 5 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC và Điểm b1 khoản 3 Điều 4 Thông tư số 83/2014/TT-BTC.
Trường hợp DN khấu trừ hoàn thuế GTGT đầu vào mặt hàng phụ phẩm của ngành lương thực tấm, cám, trấu thì liên hệ với cơ quan Thuế nội địa để được hướng dẫn giải quyết. Trường hợp DN nộp nhầm, nộp thừa thuế GTGT hàng NK đối với mặt hàng trên đáp ứng quy định tại Điều 49 Thông tư 38/2015/TT-BTC thì liên hệ với cơ quan Hải quan để được hướng dẫn.
Công ty TNHH ABB hỏi, DN có xuất một số máy biến thế ra thị trường nước ngoài bao gồm than máy và các phụ kiện kèm theo. Trong một vài trường hợp cụ thể, DN phải chuyển than máy đi trước và phụ kiện được gửi theo chuyến hàng sau, tuy nhiên số phụ kiện có nguồn gốc NK được gửi sau không được xem xét để làm thủ tục hoàn thuế.
Về vấn đề DN hỏi, Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ Khoản 1 Điều 19 Luật thuế XK, thuế NK thì các trường hợp hoàn thuế gồm:
“a) Người nộp thuế đã nộp thuế NK, thuế XK nhưng không có hàng hóa NK, XK hoặc NK, XK ít hơn so với hàng hóa NK, XK đã nộp thuế;
b) Người nộp thuế đã nộp thuế XK nhưng hàng hóa XK phải tái nhập được hoàn thuế XK và không phải nộp thuế NK;
c) Người nộp thuế đã nộp thuế NK nhưng hàng hóa NK phải tái xuất được hoàn thuế NK và không phải nộp thuế XK;
d) Người nộp thuế đã nộp thuế đối với hàng hóa NK để sản xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa XK và đã XK sản phẩm”.
Cũng theo Khoản 2 Điều 19 Luật thuế XK, thuế NK thì: “Hàng hóa quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều này được hoàn thuế khi chưa qua sử dụng, gia công, chế biến”.
Khoản 1 Điều 34 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định, hàng hóa NK đã nộp thuế NK nhưng phải tái xuất được hoàn thế NK và không phải nộp thuế XK. Theo đó, người nộp thuế đã nộp thuế NK đối với hàng hóa NK để sản xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa XK và đã XK sản phẩm ra nước ngoài, hoặc XK vào khu phi thuế quan, được hoàn thuế NK đã nộp.
Cơ sở để xác định hàng hóa được hoàn thuế, hồ sơ hoàn thuế thực hiện theo quy định tại khoản 3, khoản 5 Điều 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.
Tổng cục Hải quan đề nghị DN nghiên cứu các quy định nêu trên để thực hiện. Trường hợp vướng mắc đề nghị DN liên hệ với cơ quan Hải quan nơi đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể hoặc cung cấp hồ sơ gửi Tổng cục Hải quan để xem xét giải quyết.
Công ty TNHH kỹ nghệ Felix (Hải Phòng) thắc mắc, phế liệu được thu hồi trong quá trình sản xuất, nằm trong định mức sản xuất, có nguồn gốc NK nhưng đã XK (tờ khai đăng ký theo loại hình B11) chưa rõ, có thuộc trường hợp không phải nộp thuế XK quy định tại khoản 5 Điều 114 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính không?
DN cũng đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể trường hợp DN NK nguyên liệu để sản xuất hàng XK và thu hồi được phế liệu (từ 100% nguyên liệu NK) nằm trong định mức, khi DN làm thủ tục XK phế liệu có phải nộp thuế XK không (chia làm hai giai đoạn: giai đoạn từ 1/9/2016 trở về trước và từ 1/9/2016 trở đi).
Về vướng mắc nêu trên, Tổng cục Hải quan (Cục Thuế XNK) đã có công văn số 4477/TXNK-CST ngày 15/11/2017 trả lời Cục Hải quan TP. Hải Phòng về xử lý thuế XK đối với phế liệu thu được từ quá trình sản xuất sản phẩm XK từ nguyên liệu NK của Công ty TNHH Kỹ nghệ Felix.
Cụ thể trước ngày 1/9/2016: Tổng cục Hải quan đã có công văn số 5334/TCHQ-TXNK ngày 8/6/2016 hướng dẫn thực hiện theo hướng: Căn cứ Khoản 4 Điều 15 Nghị định 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ, Khoản 5 Điều 114 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính, thì “Hàng hoá NK đã nộp thuế NK để sản xuất hàng hoá XK ra nước ngoài hoặc xuất vào khu phi thuế quan được hoàn thuế NK tương ứng với tỷ lệ sản phẩm thực tế XK và không phải nộp thuế XK đối với hàng hóa XK có đủ điều kiện xác định là được chế biến từ toàn bộ nguyên liệu, vật tư NK”.
Căn cứ Khoản 3 Điều 128 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính: Trường hợp hàng hóa XK có đủ điều kiện xác định là được chế biến từ toàn bộ nguyên liệu NK thuộc đối tượng không phải nộp thuế XK theo quy định thì hồ sơ xét không thu thuế XK bao gồm:
"a) Công văn đề nghị không thu thuế XK đối với hàng hóa XK được sản xuất, chế biến từ toàn bộ nguyên liệu NK: 1 bản chính, trong đó nêu rõ:
a.1) Số tờ khai hải quan hàng hóa XK đã làm thủ tục hải quan đề nghị không thu thuế; tên hàng, số thứ tự dòng hàng, số lượng hàng hóa trên tờ khai hải quan (đối với trường hợp đề nghị không thu thuế một phần của tờ khai hải quan); số tờ khai hải quan hàng hóa NK; số hợp đồng có liên quan đến hàng hóa XK đề nghị không thu thuế;
a.2) Số lượng nguyên liệu NK đã sử dụng để sản xuất, gia công hàng hóa XK;
a.3) Số tiền thuế XK đề nghị không thu;”
Theo trình bày, trường hợp của DN NK 100% nguyên liệu thép không gỉ từ nước ngoài để SX XK sản phẩm trong đó có phế liệu thép không gỉ, DN cam kết phế liệu thép không gỉ thu được từ hoạt động sản xuất có nguồn gốc 100% nguyên liệu NK và hoàn toàn không có nguồn gốc từ tài nguyên khoáng sản được khai thác tại Việt Nam. Do đó, đề nghị DN xuất trình hồ sơ NK thép không gỉ, XK số phế liệu thép không gỉ với cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục XK để kiểm tra xác định cụ thể, đối chiếu quy định nêu trên để xử lý theo quy định.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, từ ngày 1/9/2016, các trường hợp miễn thuế đã được quy định cụ thể tại Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK; từ Điều 5 đến Điều 29 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó trường hợp miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK để sản xuất hàng hóa XK được quy định tại Khoản 7 Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK; Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, không quy định miễn thuế XK đối với hàng hóa là phế liệu XK thu được từ quá trình sản xuất sản phẩm XK từ nguyên liệu NK.
Báo Hải quan sẽ tiếp tục thông tin về giải đáp các vướng mắc về hoàn thuế trong số báo sau.
Theo baihaiquan.vn