Giá dầu hôm thứ 6 tuần trước tăng lên ngưỡng cao nhất trong vòng 2 tuần trong bối cảnh bất ổn địa chính trị khu vực Trung Đông. Điều này làm tăng mối đe dọa gián đoạn nguồn cung, nhất là sau khi tổng thống Donald Trump phủ nhận sự tuân thủ thỏa của Iran đối với thoả thuận hạn chế hạt nhân.
Đúng như dự báo, tổng thống Donald Trump từ chối xác nhận Iran tuân thủ thoả thuận hạt nhân ký năm 2015. Theo thoả thuận, Iran đồng ý thắt chặt chương trình hạt nhân ít nhất trong vòng 10 năm đổi lại các lệnh trừng phạt lên kinh tế quốc gia này phải được nới lỏng.
Trong khi đó, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục theo dõi tình trạng bất ổn diễn ra ở Iraq sau cuộc trưng cầu dân ý đòi quyền độc lập của người Kurd do điều này có thể khiến hoạt động cung cấp dầu 500.000-600.000 thùng/ngày có thể bị gián đoạn.
Dấu hiệu tích cực từ thị trường dầu thô Trung Quốc cũng góp phần đẩy giá dầu lên cao. Lượng dầu thô Trung Quốc nhập khẩu tăng gần 1 triệu thùng/ngày lên mức 9 triệu thùng/ngày trong tháng 9. Điều này xoa dịu nỗi lo của các nhà đầu tư rằng nhu cầu dầu thô toàn cầu yếu.
Tại sàn giao dịch hàng hoá New York, giá dầu giao trong tháng 11 tăng 1,7% lên mức 51,45 USD/thùng. Tính chung cả tuần trước, giá dầu WTI tăng 4,4%.
Trong khi đó tại sàn giao dịch hàng hoá liên lục địa London, giá dầu Brent tăng 63 cent lên mức 56,88 USD/thùng. Trong tuần trước, giá dầu Brent tăng gần 2,8%- mức tăng mạnh nhất kể từ tuần giữa tháng 9.
Trong tuần này, thị trường tiếp tục theo dõi dữ liệu dầu thô và các sản phẩm lọc hóa dầu của Mỹ được công bố vào thứ Ba và thứ Tư nhằm đánh giá nhu cầu của thị trường tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Một số sự kiện được đánh giá sẽ ảnh hưởng tới giá dầu thô trong tuần tới
Thứ Ba (17/10)
Viện Dầu khí Mỹ công bố báo cáo nguồn cung dầu thô hàng tuần.
Thứ Tư (18/10)
Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ công bố báo cáo trữ lượng xăng và dầu của Mỹ.
Thứ Năm (19/10)
Chính phủ Mỹ công bố báo cáo hàng tháng về trữ lượng khí gas.
Thứ Sáu (20/10)
Baker Hughes công bố dữ liệu hàng tuần về số lượng giàn khoan Mỹ.
Theo ndh.vn