Nhiều điểm mới DN cần lưu ý
Trong khuôn khổ hội nghị, DN đã được phổ biến những điểm mới quan trọng tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 08/2018/NĐ-CP và Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC.
Những vấn đề DN cần lưu ý ở hai văn bản này cũng được ban tổ chức nhấn mạnh. Đơn cử, Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP đã điều chỉnh nhiều quy định quan trọng liên quan đến các nhóm vấn đề cơ bản như: Nhóm vấn đề về thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh, trung chuyển; nhóm vấn đề về kiểm tra, xác định trị giá hải quan; nhóm vấn đề về thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh; nhóm vấn đề công tác chống buôn lậu và một số thủ tục hải quan liên quan đến các hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khác, về địa điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính...
Về Thông tư 39/2018/TT-BTC nhiều quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; thuế XK, thuế NK đã được ban tổ chức thông tin cụ thể.
Chẳng hạn, về hồ sơ hải quan, Thông tư 39/2018/TT-BTC quy định phương thức nộp hồ sơ hải quan điện tử sẽ trở thành phương thức nộp hồ sơ hải quan chủ yếu. Hồ sơ hải quan sẽ được người khai hải quan nộp dưới dạng điện tử (bản scan có gắn chữ ký số) ngay khi thực hiện đăng ký tờ khai hải quan.
Như vậy, người khai hải quan không cần phải chuẩn bị bộ hồ sơ hải quan dưới dạng giấy và mang đến cơ quan Hải quan để nộp như hiện tại. Phân biệt cụ thể hồ sơ hải quan người khai hải quan cần nộp cho cơ quan Hải quan khi làm thủ tục hải quan với hồ sơ hải quan người khai hải quan cần phải lưu giữ tại trụ sở của người khai hải quan để xuất trình khi cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra, thanh tra.
Để đảm bảo tính thống nhất trong khai báo và điện tử hóa hơn nữa việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử ngoài các nguyên tắc khai hải quan đã quy định tại Điều 19 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, Thông tư số 39/2018/TT-BTC bổ sung một số nguyên tắc mới liên quan đến khai hải quan.
Việc khai bổ sung, hủy tờ khai hải quan, khai thay đổi mục đích sử dụng cũng có nhiều quy định mới. Chẳng hạn thủ tục khai bổ sung được thực hiện hoàn toàn thông qua Hệ thống, không phải nộp đề nghị dưới dạng bản giấy như hiện tại.
Việc đăng ký, phân luồng tờ khai và xử lý tờ khai hải, hay quản lý, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; quản lý hàng hóa gia công, SXXK, hàng hóa của DNCX cũng có nhiều quy định sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC.
Bên cạnh đó tại Thông tư 39/2018/TT-BTC nhiều quy định liên quan đến thuế XK, thuế NK và quản lý thuế đối với hàng hóa XK, NK đã được sửa đổi, bổ sung như: Vấn đề kiểm tra, xác định trị giá hải quan; về thủ tục tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế; thủ tục xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa;…
Giải đáp nhiều vướng mắc
Tại hội nghị, các vấn đề vướng mắc của DN đã được đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan giải đáp cụ thể. Chẳng hạn, DN hỏi, trường hợp thuê kho chứa bên ngoài có phải khai báo hải quan không? Việc xử lý đối với tồn kho nguyên liệu gia công, sản xuất xuất khẩu thực hiện như thế nào?
Trả lời vấn đề này, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, trường hợp DN thuê kho lưu giữ nguyên liệu, vật tư ngoài cơ sở sản xuất thì trước khi đưa nguyên liệu, vật tư sản phẩm đến địa điểm lưu giữ, tổ chức, cá nhân phải thông báo địa điểm lưu giữ cho chi cục hải quan quản lý thông qua hệ thống. Điều này được quy định rõ tại Khoản 36 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC (Khoản này sửa đổi, bổ sung Điều 56 Thông tư 38/2015/TT-BTC).
Đối với tồn kho nguyên liệu gia công, Thông tư 39/2018/TT-BTC quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Hải quan khi kiểm tra tình hình sử dụng, tồn kho nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hóa XK, phải xác định nguyên nhân xảy ra tình trạnh nguyên liệu chênh lệch âm, dương, từ đó xác định được lỗi của DN thì mới chấp nhận giải trình của DN hay không. Điều này giảm tình trạng chênh lệch âm, dương nguyên liệu mà không xác định được nguyên nhân.
Bên cạnh đó, DN cũng đặt câu hỏi liên quan đến kết nối thông tin tình hình xuất, nhập nguyên liệu, vật tư gia công, sản xuất xuất khẩu qua hệ thống với cơ quan Hải quan như thế nào?
Trả lời câu hỏi của DN, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, khi DN lựa chọn thực hiện kết nối dữ liệu với cơ quan Hải quan theo Khoản 39 Điều 1 Thông tư 39/208/TT-BTC sửa đổi bổ sung Điều 60 Thông tư 38/2015/TT-BTC, DN sẽ được hỗ trợ từ phía cơ quan Hải quan để chuẩn hóa dữ liệu. Việc kết nối dữ liệu dựa trên nhu cầu của DN và hệ thống CNTT của DN đáp ứng được. Khi kết nối như vậy DN sẽ không phải nộp báo cáo quyết toán cho cơ quan Hải quan.
Ngoài các vấn đề trên, các câu hỏi của DN về thủ tục khác như thủ tục XNK tại chỗ, việc sửa đổi, bổ sung sau khi phân luồng có bị xử phạt hay không?... cũng được đại diện các đơn vị chức năng trả lời cụ thể.
Cũng liên quan việc triển khai Nghị định 59/2018/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC, từ 9 đến 11 giờ ngày 13/6, Báo Hải quan tổ chức buổi giải đáp trực tuyến trên Báo Hải quan điện tử (tại địa chỉ www.baohaiquan.vn) với bạn đọc về những điểm mới tại tại hai văn bản quy phạm pháp luật trên.
Buổi giải đáp trực tuyến do lãnh đạo Tổng cục Hải quan chủ trì; cùng tham gia trả lời các câu hỏi của bạn đọc có Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn; Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu Lưu Mạnh Tưởng. |
Theo baohaiquan.vn