Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo công bố tác động của việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) tới xã hội và phúc lợi gia đình của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 28/6.
Luật thuế VAT hiện hành quy định 2 mức, thuế suất ưu đãi 5% dành chủ yếu ở các lĩnh vực hàng hoá, dịch vụ thiết yêu như y tế, giáo dục, nông nghiệp… và thuế suất phổ thông 10%.
Trong bối cảnh gần đây khi vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công trở nên trầm trọng, Bộ Tài chính đưa ra đề xuất điều chỉnh thuế suất VAT tăng thêm 20%. Cụ thể, phương án 1 là nâng thuế suất thuế VAT từ 5% lên 6% và phương án 2 là tăng từ 10% lên 12%.
Đưa ra đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng, thuế suất thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam hiện thấp hơn mức trung bình của khu vực và thế giới là 16%.
Trong số 112 nước áp dụng thuế VAT, có 88 nước có mức thuế suất gồm 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%, còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Cụ thể, ở châu Á là 10,9%, Liên minh châu Âu là 21,5%; Trung Âu và Nga là 18,6%, châu Mỹ là 14%.
Theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, hiện nay thuế VAT chiếm 28-29% tổng thu ngân sách.
Trong khi đó, các nước khác có mức thuế VAT cao hơn, song sự đóng góp của thuế VAT vào thu ngân sách lại thấp hơn Việt Nam nhiều. Nên không thể nói mức thuế ở Việt Nam thấp mà không tính tới cả đóng góp của phần thuế này vào tổng thu ngân sách.
Ông Hồ cho hay, ở thời điểm hiện nay và trong vài năm không nên tính tới việc tăng thuế VAT.
“Nếu tăng phải chia bậc. Thế nhưng tăng như thế nào phải tính toán cụ thể chứ không thể tăng ngay một lúc từ 10 lên 12%. Có thể bước đầu tăng từ 10% lên 11% sau đó lên 12%”, ông Lưu Bích Hồ nói.
Tuy nhiên, trong hai phương án Bộ Tài chính đề xuất, ông Lưu Bích Hồ cho rằng, phương án thu đồng đều lên 10% là chưa hợp lý vì tác động đến những mặt hàng thiết yếu, phải tăng từ 5% lên 10%. Điều này sẽ tác động mạnh đến đời sống của người dân, đặc biệt là nông dân.
Cũng theo chuyên gia Lưu Bích Hồ, phương án tăng thuế suất thuế VAT từ mức 5% lên 6% vẫn đang được Bộ Tài chính cân nhắc. Song cần tính toán nhằm đảm bảo công bằng, đặc biệt hạn chế chính sách an sinh xã hội được lồng ghép trong chính sách thuế, làm mất tính trung lập của thuế.
Mới đây, tại phiên thảo luận về kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước, trả lời cử tri về Dự thảo sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, Bộ Trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, người dân, các chuyên gia, các cơ quan giữ mức thuế phổ thông là 10%, không nâng mức thuế giá trị gia tăng này lên 11% đến 12% như dự thảo ban đầu.
Theo baohaiquan.vn