Sản lượng dầu đá phiến tăng có thể khiến Mỹ vượt Nga và Ả-rập Saudi trở thành quốc gia khai thác dầu lớn nhất thế giới, Rystad Energy nhận xét. Kể từ năm 1975, Mỹ luôn xếp sau Nga và Ả-rập Saudi về sản lượng khai thác.
Sản lượng khai thác dầu thô của các "ông lớn" trong ngành
"Thị trường sẽ thay đổi hoàn toàn bởi cỗ máy khai thác dầu đá phiến của Mỹ", ông Nadia Martin Wiggen, phó giám đốc thị trường của Rystad Energy nhận định.
Dự đoán cho thấy cuộc cách mạng dầu đá phiến sẽ biến Mỹ trở thành trung tâm năng lượng lớn, nhất là khi trước đó tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ gỡ bỏ một số quy định ngành khai khoáng. Thay đổi dài hạn này cho phép Mỹ bớt phụ thuộc vào dầu thô nước ngoài trong đó có khu vực Trung Đông.
Sản lượng khai thác dầu thô của Mỹ giảm mạnh, nhưng vẫn chưa tới mức sụp đổ hoàn toàn, sau khi Ả-rập Saudi phát động cuộc chiến tranh về giá dầu cuối năm 2015 nhằm dành lại thị phần đã mất. Tại thời điểm đó, tình trạng thừa dầu nghiêm trọng tới mức giá dầu giảm mạnh từ 100 USD/thùng xuống còn 26 USD/thùng.
Giá dầu rẻ buộc các công ty khai thác dầu đá phiến ở Texas, Bắc Dakota và một số khu vực khác phải thắt chặt sản lượng. Sản lượng khai thác dầu thô trong nước chạm đáy ở mức 8,55 triệu thùng/ngày hồi tháng 9/2016, giảm 11% so với mức đỉnh hồi tháng 4/2015, theo dữ liệu Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Tuy nhiên, sản lượng nhanh chóng phục hồi vào năm 2017 do giá dầu tăng trở lại kèm theo Mỹ áp dụng công nghệ mới giúp giảm thiểu chi phí sản xuất.
Mới đây, EIA dự báo sản lượng khai thác của Mỹ có thể tăng lên ngưỡng trung bình 10 triệu thùng/ngày trong năm 2018, phá vỡ kỷ lục năm 1970 là 9,6 triệu thùng/ngày.
Rystad Energy thậm chí dự đoán đến tháng 12/2018, sản lượng khai thác của Mỹ có thể đạt 11 triệu thùng/ngày, vượt Nga và Ả-rập Saudi. Trong khi đó, một số chuyên gia lại nghi ngờ về điều này. Byron Wien, phó chủ tịch Blackstone dự đoán năm 2018 sẽ là năm đầy thất vọng đối với tình hình khai thác dầu đá phiến, kéo theo giá dầu tăng lên 80 USD/thùng.
Giá dầu thô Mỹ hôm thứ tư lần đầu tiên vượt ngưỡng cao nhất trong vòng 2,5 năm là 61 USD/thùng. Đà tăng giá dầu thời gian gần đây là do sự cố đường ống dẫn dầu ở Libya và ở Anh khiến thị trường lo lắng nguồn cung sẽ bị gián đoạn.
Nhìn chung, nhu cầu cao trong khi nguồn cung bị hạn chế do OPEC và 10 quốc gia khác trong đó có Nga tăng cường cắt giảm sản lượng khai thác nhằm thặt chặt thị trường là động lực chính giúp giá dầu tăng trong năm 2017.
Trái lại, tổng thống Donald Trump từng tuyên bố sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành khai thác năng lượng của Mỹ. Tuần trước, Cục An toàn và Thực thi Môi trường đề xuất cắt giảm một số quy định về khai thác dầu thô ước tính sẽ giảm ít nhất 228 triệu USD gánh nặng chi phí của ngành trong vòng 10 năm.
Lượng dầu nhập khẩu của Mỹ giảm 25% trong vòng 9 năm qua trong khi ở chiều xuất khẩu lại bùng nổ kể từ khi lệnh cấm bán dầu sang nước ngoài bị bãi bỏ năm 2015. Xuất khẩu tăng gấp hơn 3 lần trong năm 2017 lên ngưỡng kỷ lục. Mặc dù vậy, lượng dầu thô nhập Mỹ nhập khẩu vẫn nhiều hơn so với xuất khẩu, tuy nhiên khoảng cách này đang được thu hẹp lại.
Theo ndh.vn