Giá dầu lao dốc vì nỗi lo về tình trạng dư cung toàn cầu và việc sản lượng Mỹ vượt mặt Nga và Ả-rập Xê-út chỉ làm gia tăng thêm lo ngại cho nhà đầu tư. Hợp đồng dầu WTI tương lai giờ đã giảm 20% so với mức đỉnh gần 4 năm thiết lập vào ngày 03/10/2018.
Dựa trên dữ liệu hàng tuần của Chính phủ Mỹ, sản lượng dầu tại Mỹ đã tăng ấn tượng 2 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, và 400,000 thùng/ngày so với 1 tuần trước đó. Chính phủ Mỹ kỳ vọng sản lượng tháng 10/2018 ở mức 11.4 triệu thùng/ngày và dự báo sản lượng dầu có thể tăng lên mức trung bình 12.1 triệu thùng/ngày vào năm tới.
“Sản lượng dầu thô tại Mỹ đã ghi nhận mức kỷ lục mới và giờ là cao nhất trên thế giới, vượt mặt Nga và gần với mức mà Ả-rập Xê-út có thể đạt tới trong 6 tháng nữa”, Chuyên viên phân tích năng lượng tại Citigroup, Eric Lee, cho hay.
Ủy ban Giám sát cấp Bộ trưởng Chung (JMMC) của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ họp mặt vào cuối tuần này ở Abu Dhabi, trước khi cuộc họp quan trọng hơn diễn ra vào tháng tới ở Vienna, và mức sản lượng được cho là sẽ được bàn luận tại cuộc họp này. Ả-rập Xê-út – quốc gia có sức ảnh hưởng lớn nhất trong OPEC – và Nga đã nhất trí nâng sản lượng trước khi các lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran có hiệu lực và ủy ban JMMC có thể quyết định hạ mức sản lượng.
JMMC có thể đưa ra một đề xuất có thể được thông qua tại cuộc họp tháng 12 của OPEC. Reuters dẫn lại nguồn tin cho biết, OPEC và các đồng minh có thể không loại bỏ trường hợp cắt giảm sản lượng vào năm tới.
Helima Croft, Trưởng Bộ phận Chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC, cho biết, ngày càng xuất hiện nhiều lời bàn tán cho rằng OPEC và Nga đang lo ngại về nguồn cung và có thể muốn cắt giảm sản lượng vì họ đã gia tăng sản lượng trước đó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi Ả-rập Xê-út sử dụng phần công suất dư thừa để bơm thêm dầu vào thị trường trước khi các lệnh trừng phạt lên Iran có hiệu lực. Tuần này, Donald Trump cho biết ông không muốn các lệnh trừng phạt Iran đẩy giá dầu lên cao hơn. “Nếu là Ả-rập Xê-út và bạn tỏ ra lo ngại thì bạn phải nghiên cứu xem bạn có thể để tình trạng này đi xa đến đâu”, Croft cho biết. “Họ gấp rút đẩy toàn bộ thùng dầu ra thị trường vì chính sách của Mỹ”.
Sản lượng của Mỹ đã vượt mặt Nga và Ả-rập Xê-út. Các chuyên viên phân tích cho hay, sản lượng Nga ở mức 11.4 triệu thùng/ngày và sản lượng Ả-rập Xê-út tăng lên mức 10.7 triệu thùng/ngày, sau khi họ quyết định nâng sản lượng để bù đắp cho số lượng thùng dầu bị mất từ Iran.
Trước đó, trong tháng 9/2018, giá dầu tăng mạnh khi nguồn cung dầu tại Venezuela liên tục suy giảm và các thùng dầu Iran bị rút dần khỏi thị trường. Hợp đồng dầu WTI tương lai có lúc chạm mức 76.9 USD/thùng vào đầu tháng 10/2018. Croft ước tính, có khoảng 1 triệu thùng dầu Iran bị loại bỏ ra khỏi thị trường mỗi ngày.
Croft nói thêm, thị trường đã quá tiêu cực về nguồn cung và đánh giá thấp tác động từ các lệnh trừng phạt Mỹ vì nước này miễn lệnh trừng phạt cho một số quốc gia. Chẳng hạn, Trung Quốc được cho phép mua tạm thời 360,000 thùng dầu Iran mỗi ngày. Thế nhưng, Trung Quốc đang giảm dần số lượng mua, trong khi các chuyên viên phân tích dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục mua dầu từ Iran và thậm chí là gia tăng lượng mua.
John Kilduff, Đối tác tại Again Capital, kỳ vọng OPEC sẽ thực hiện một vài động thái để ngăn chặn tình trạng dư cung có khả năng sắp xảy ra.
“Một số quốc gia thuộc OPEC cho rằng Nga và Ả-rập Xê-út đã khiến giá dầu tụt dốc 15 USD/thùng và kêu gọi họ giảm sản lượng bớt 1 triệu thùng/ngày ngay lập tưc”, Kilduff cho hay. “Sẽ có tranh cãi tại cuộc họp lần này. Đà giảm của giá dầu trong 4 tuần qua diễn ra quá nhanh và mạnh đến nỗi thu hút sự chú ý của họ”.
Theo vietstock.vn