Giá dầu WTI tương lai tăng 28 cent, tương đương 0,4%, lên 66,64 USD/thùng. Giá dầu Brent tương lai tăng 86 cent, tương đương 1,1%, lên 76,74 USD/thùng.
Trước đó, giá hai loại dầu này giảm nhẹ do lo ngại sản lượng từ Mỹ tiếp tục tăng còn OPEC cùng các nhà sản xuất dầu mỏ khác nới lỏng nguồn cung tại cuộc họp ngày 22 – 23/6 ở Vienna, Áo. Đến cuối phiên, giá dầu lại giảm một chút do thông tin FED tăng lãi suất, giúp đồng USD mạnh hơn, đẩy giá dầu cao hơn đối với các nhà đầu tư không dùng USD.
Dự trữ dầu thô Mỹ giảm 4,1 triệu thùng trong tuần trước, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), nhiều hơn mức dự báo của giới phân tích là giảm 2,7 triệu thùng. Ước tính nhu cầu xăng tại Mỹ cao kỷ lục, lên 9,9 triệu thùng/ngày.
“Nhu cầu đối với dầu thô và xăng cao bất ngờ”, John Kilduff, Again Capital, New York, nói. “Đó thực sự là thông tin thúc đẩy giá tăng”.
Sản lượng dầu thô ở Mỹ đạt 10,9 triệu thùng/ngày trong tuần trước, theo EIA, nhưng Kilduff cho rằng thị trường đủ khả năng hấp thụ mức tăng này.
Sản lượng của Nga tăng trở lại qua mốc 11 triệu thùng/ngày trong tháng 6, của Arab Saudi là hơn 10 triệu thùng/ngày. OPEC cùng một số nước phi OPEC như Nga bắt đầu hạn chế nguồn cung từ năm 2017 để giảm dư thừa dầu thô trên toàn cầu. Giá dầu đã tăng khoảng 60% trong năm 2017.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Iran đã công kích lẫn nhau vì giá dầu. Ông Trump đổ lỗi cho OPEC khiến giá dầu tăng. Iran lại cho rằng chính ông chủ Nhà Trắng mới là tác nhân khi quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân.
EIA nhận định nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt 1,4 triệu thùng/ngày trong năm nay và năm 2019, vượt 100 triệu thùng trong quý IV/2018.
“Giá dầu sẽ vượt 150 USD trong chưa đầy hai năm”, theo nhà quản lý quỹ Pierre Andurand, Andurand Capital, nói.
Theo ndh.vn